Hợp đồng thương mại là một văn bản pháp lý để các bên tham gia quan hệ pháp luật thương mại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đó cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, không phải hợp đồng thương mại nào cũng đầy đủ các điều khoản chặt chẽ. Công ty Luật Minh Tú đã tổng hợp những điều khoản cơ bản trong soạn thảo hợp đồng thương mại và một số vấn đề cần lưu ý nhằm bạn đọc có thể soạn thảo một hợp đồng thương mại đầy đủ, chặt chẽ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
Soạn thảo hợp đồng thương mại và những lưu ý quan trọng
Thế nào là hợp đồng thương mại?
Hợp đồng thương mại được hiểu là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại. Hợp đồng thương mại có mục đích là sinh lợi.
Soạn thảo hợp đồng thương mại cần có nội dung gì?
Một bản hợp đồng thương mại thường được chia thành các điều khoản cụ thể, hợp đồng quy định càng chi tiết thì các bên càng dễ thực hiện công việc, tránh mất thời gian và nhập nhằng về trách nhiệm khi có sự kiện tranh chấp xảy ra. Một hợp đồng thương mại cần phải có các điều khoản cơ bản sau:
Điều khoản thông tin các bên
Đây là điều khoản đầu tiên và luôn phải có trong một hợp đồng thương mại. Cá nhân, tổ chức đều có quyền tham gia ký kết hợp đồng khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ta cần phải xác định cụ thể cá nhân, tổ chức nào sẽ tham gia vào hợp đồng thương mại, và các thông tin cần có:
- Đối với cá nhân: Tên, số CMND/CMND/Hộ chiếu và địa chỉ thường trú, địa chỉ liên hệ. Nội dung này ghi chính xác theo các giấy tờ pháp lý của cá nhân và phải được kiểm tra lại trước khi giao kết hợp đồng.
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức: Tên, địa chỉ trụ sở chính, số Giấy phép thành lập và người đại diện theo pháp luật. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.
Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
Hợp đồng có hoạt động thương mại khác nhau thì đối tượng của hợp đồng cũng sẽ khác nhau. Ví dụ: đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán, khi soạn thảo, các bên phải ghi rõ tên hàng, chủng loại, số lượng, chất lượng, phương thức vận chuyển,… của hàng hóa. Đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ thì đối tượng của hợp đồng là dịch vụ. Tất cả các yếu tố trên phải được ghi rõ ràng và cụ thể trong hợp đồng.
Điều khoản về giá cả
Khi thỏa thuận về giá, các bên phải ghi rõ đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá, có thể đặt giá cố định hoặc có phương án định giá (giá di động). Quy định về giá thường được điều chỉnh để đáp ứng những thay đổi về giá thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến giá sản phẩm.
Điều khoản thanh toán
Bên cạnh việc thỏa thuận về giá thì việc thỏa thuận phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán là thông tin rất quan trọng hầu như không thể thiếu trong bất kỳ Hợp đồng thương mại nào.
- Phương thức thanh toán: Thanh toán trực tiếp; Chuyển khoản; Thanh toán bằng thư tín dụng L/C (thường được sử dụng trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế).
- Đồng tiền thanh toán: Việt Nam đồng, USD hoặc một đồng tiền khác được phép sử dụng trong giao dịch mua bán. Lưu ý đối với các giao dịch được thực hiện tại Việt Nam thì việc thanh toán phải được thể hiện là đồng Việt Nam.
- Thời hạn thanh toán: Mặc dù pháp luật có quy định chung về thời hạn thanh toán. Tuy nhiên, các bên vẫn nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể làm căn cứ để xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ đối với bên có nghĩa vụ thanh toán. Thời gian thanh toán có thể chia thành một hoặc nhiều đợt tùy theo tiến độ của hợp đồng.
Điều khoản về phạt vi phạm
Đây là điều khoản các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cũng như các bên có ý thức trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ ngay từ đầu thì nên quy định điều khoản này trong hợp đồng.
Các bên có thể thỏa thuận cụ thể một số trường hợp phạt vi phạm hoặc tất cả các vi phạm đều bị áp dụng.
Đối với mức phạt vi phạm, các bên có thể tự do thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
Điều khoản quyền và nghĩa vụ
Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các bên. Thực tế, các bên có thể thỏa thuận thêm một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với giao dịch của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều khoản giải quyết tranh chấp
Trọng tài thương mại và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng thương mại. Tuy nhiên để tránh tốn kém tiền bạc, công sức đi lại nhiều lần thì khi phát sinh tranh chấp các bên cũng cần ngồi lại để cùng thương lượng giải quyết trước khi yêu cầu Trung tâm trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án ngay.
Lưu ý: một số trường hợp tranh chấp chỉ được giải quyết bởi Tòa án mà Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định luật Trọng tài thương mại.
Đối với các hợp đồng thương mại giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên cần chú ý chọn Luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì Luật áp dụng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật cụ thể.
Các điều khoản khác
Bên cạnh các điều khoản cơ bản ở trên, các bên được tự do thỏa thuận các điều khoản khác phù hợp với giao dịch và quy định của pháp luật để hợp đồng chi tiết hơn.
Các bên cũng lưu ý nên ký kết hợp đồng bằng hình thức văn bản ngoài các trường hợp bắt buộc để đảm bảo cho quá trình thực hiện giao dịch thương mại.
Cần lưu ý những điều khoản quan trọng khi soạn thảo hợp đồng thương mại
Một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại
- Cẩn trọng ngay từ khâu soạn dự thảo hợp đồng, đặc biệt đối với các hợp đồng có giá trị giao dịch lớn hoặc hợp đồng thương mại quốc tế;
- Cần có thỏa thuận cụ thể về chế tài phạt vi phạm, các chế tài này có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên;
- Chế tài xử phạt cần rõ ràng, cụ thể và chi tiết nhất có thể, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật để tránh trường hợp bị vô hiệu;
- Đối với những hợp đồng thương mại có giá trị lớn, phức tạp hoặc hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài: Nên nhờ sự trợ giúp pháp lý của luật sư có chuyên môn.
Có cần thiết thuê luật sư soạn thảo hợp đồng thương mại không?
Trên thực tế, có rất ít các thương nhân hiểu đầy đủ các quy định pháp luật khi thực hiện hoạt động thương mại. Vì vậy, khi tham gia giao dịch thương mại, các bên nên thuê luật sư soạn thảo, xem xét các điều khoản trong hợp đồng, điều này mang lại những lợi ích sau:
Các bên thực hiện các hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật
Thông qua sự tư vấn của Luật sư các bên có thể hiểu rõ quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động thương mại, những điều được phép thực hiện, những điều mà pháp luật cấm. Từ đó đưa vào các nội dung trong hợp đồng một cách phù hợp nhất.
Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp
Luật sư không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng khi soạn thảo hợp đồng mà còn giúp xem xét các nghĩa vụ mà khách hàng phải thực hiện trong giao dịch với đối tác. Điều này giúp khách hàng hạn chế việc vi phạm trong hợp đồng.
Giảm thiểu các rủi ro khi thực hiện hoạt động thương mại
Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, luật sư có thể giúp khách hàng nhận diện rủi ro, tư vấn và thông báo về các vấn đề pháp lý mà quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng. Từ đó tham vấn ý kiến của cơ quan nhà nước hoặc xin chấp thuận để tiến hành hoạt động thương mại một cách hợp pháp.
Dự phòng các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai
Khi soạn thảo hợp đồng thương mại theo yêu cầu của khách hàng, ngoài các tình huống có thể xảy ra ở hiện tại, các luật sư còn dự liệu được các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, thậm chí sau khi thực hiện xong việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Việc này giúp khách hàng có thể hình dung được các giai đoạn của quá trình kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngay cả khi thực hiện xong hoạt động thương mại.
Tham vấn ý kiến luật sư là cần thiết khi soạn thảo hợp đồng thương mại
Luật Minh Tú – Dịch vụ tư vấn và soạn thảo hợp đồng thương mại uy tín
Trên đây là một số vấn đề quan trọng cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại. Quý khách hàng quan tâm có thể sử dụng dịch vụ tư vấn và soạn thảo hợp đồng thương mại của Công ty luật Minh Tú để có được một bản hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo được quyền lợi cho các bên.
Thông tin liên hệ:
- Trụ sở công ty tọa lạc tại: Lầu 25, tòa nhà LIMTOWER số 9-11 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Email: votu@luatminhtu.com
- Hotline: 096 783 78 68
- Fanpage: https://www.facebook.com/luatminhtu
- Website: luatminhtu.vn
Hợp đồng thương mại là hình thức hợp đồng phổ biến trong các giao dịch hiện nay. Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh cần lưu ý về nội dung, hình thức, quy định để thực hiện và ký kết hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến hợp đồng nói riêng và pháp lý doanh nghiệp nói chung, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Minh Tú để được giải đáp nhé !