Trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng thi công đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của mỗi dự án. Tuy nhiên, dự án nào cũng phát sinh những bất đồng về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên cần có cách giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng một cách thỏa đáng.
Để đảm bảo quá trình thi công diễn ra suôn sẻ, việc áp dụng những chiến lược hiệu quả và rút ra bài học từ kinh nghiệm thực tiễn là vô cùng cần thiết ngay từ giai đoạn ký kết hợp đồng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên quý giá và các phương pháp giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng.
Hợp Đồng Thi Công Xây Dựng Là Gì?
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 140 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì hợp đồng thi công xây dựng công trình là một loại của hợp đồng xây dựng, theo đó hợp đồng này thực hiện việc thi công xây dựng một phần hoặc toàn bộ công trình, hạng mục công trình hoặc thiết kế xây dựng giữa bên giao thầu (chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính) và bên nhận thầu thi công xây dựng (tổng thầu hoặc nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ).
Đồng thời, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định trên thì nội dung và khối lượng công việc chính của hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu cung cấp vật liệu xây dựng, nhân lực, máy và thiết bị thi công và thi công xây dựng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Hợp đồng thi công xây dựng phải được lập thành văn bản dựa trên nguyên tắc các bên tự nguyện, thiện chí và tự do trong giao kết hợp đồng, không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Theo đó, các bên khi ký kết phải đảm bảo các nội dung như: nội dung, khối lượng, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu, bàn giao, thời gian, tiến độ thực hiện hợp đồng,…
Mẫu hợp đồng thi công xây dựng
Quyền Và Nghĩa Vụ Của Bên Giao Thầu Và Bên Nhận Thầu Thi Công Xây Dựng
Quyền Và Nghĩa Vụ Bên Giao Thầu
Căn cứ và khoản 1 Điều 27 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì bên giao thầu có quyền như sau:
- Tạm dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi bên nhận thầu vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ;
- Kiểm tra chất lượng thực hiện công việc, cơ sở gia công chế tạo của bên nhận thầu nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ và khoản 2 Điều 27 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì bên giao thầu có nghĩa vụ như sau:
- Trường hợp bên giao thầu là chủ đầu tư thì phải xin giấy phép xây dựng theo quy định;
- Bàn giao toàn bộ hoặc từng phần mặt bằng xây dựng cho bên nhận thầu quản lý, sử dụng phù hợp với tiến độ và các thỏa thuận của hợp đồng;
- Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý thực hiện hợp đồng;
- Cung cấp kịp thời hồ sơ thiết kế và các tài liệu, phương tiện, máy và thiết bị có liên quan, vật tư theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có) và quy định của pháp luật có liên quan;
- Thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng tiến độ thanh toán trong hợp đồng;
- Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình;
- Kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ của bên nhận thầu;
- Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định;
- Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ tư vấn thì phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tư vấn trong việc quản lý thực hiện hợp đồng và thông báo cho bên nhận thầu biết;
- Xem xét và chấp thuận kịp thời bằng văn bản các đề xuất liên quan đến thiết kế, thi công của bên nhận thầu trong quá trình thi công xây dựng công trình;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền Và Nghĩa Vụ Bên Nhận Thầu
Căn cứ và khoản 1 Điều 28 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì bên nhận thầu có quyền như sau:
- Được quyền đề xuất với bên giao thầu về khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi của hợp đồng khi chưa được hai bên thống nhất và những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu;
- Được thay đổi các biện pháp thi công sau khi được bên giao thầu chấp thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả công trình trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết;
- Được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng; được quyền đòi bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng và các thiệt hại khác do lỗi của bên giao thầu gây ra;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Căn cứ và khoản 2 Điều 28 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì bên nhận thầu có nghĩa vụ như sau:
- Cung cấp nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công và các điều kiện vật chất liên quan khác đủ số lượng và chủng loại theo hợp đồng; thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp bên nhận thầu thực hiện thiết kế bản vẽ thi công) để thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
- Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình;
- Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ;
- Ghi nhật ký thi công xây dựng công trình;
- Thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng;
- Quản lý người lao động trên công trường, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, không gây ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh;
- Lập biện pháp tổ chức thi công, hồ sơ hoàn công, tham gia nghiệm thu công trình;
- Chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng công trình do mình đảm nhận. Sửa chữa sai sót trong công trình đối với những công việc do mình thi công;
- Phối hợp với các nhà thầu khác cùng thực hiện trên công trường;
- Định kỳ báo cáo với bên giao thầu về tiến độ thi công, nhân lực và thiết bị chính để thi công xây dựng công trình;
- Di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường trong thời hạn quy định sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao hoặc hợp đồng bị chấm dứt theo quy định tại Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác;
- Hoàn trả mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng;
- Giữ bí mật thông tin liên quan đến hợp đồng hoặc pháp luật có quy định;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Các Loại Tranh Chấp Đối Với Hợp Đồng Thi Công Xây Dựng
Đối với hợp đồng thi công xây dựng khi có tranh chấp thường gặp là:
- Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán trong hợp đồng;
- Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình;
- Tranh chấp về điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng thi công xây dựng;
- Tranh chấp do một bên một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng công trình.
Trình Tự, Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Thi Công Xây Dựng
Căn cứ tại khoản 1 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP khi giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình thì các bên phải tuân thủ các nguyên tắc và trình tự giải quyết tại Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020. Theo đó, khi thực hiện việc giải quyết tranh chấp thì phải thực hiện dựa trên hai nguyên tắc chính:
Một là, các bên trong hợp đồng thi công xây dựng khi ký kết phải tôn trọng thỏa thuận với nhau và cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng dựa trên sự bình đẳng và tự do hợp tác;
Hai là, các bên tự do thỏa thuận với nhau về phương thức giải quyết tranh chấp. Trong đó, nếu các bên không tự thương lượng được thì phải thông qua ba hình thức giải quyết, bao gồm: tổ chức hòa giải, giải quyết tại Trọng tài thương mại hoặc qua Tòa án nhân dân.
Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng
Tổ chức hòa giải
Căn cứ theo khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì ki hai bên thỏa thuận giải quyết thông qua con đường hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp) được tiến hành theo quy định sau:
- Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng;
- Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải;
- Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trọng tài thương mại
Nếu như hai bên có thỏa thuận giải quyết bằng Trọng tài thương mại và tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại. Quy trình vụ việc xử lý tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng bao gồm:
- Bước 1: Xác định thỏa thuận trọng tài giữa các bên. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và lập thành văn bản, bao gồm cả hình thức thư từ, điện tín, fax, email và các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
- Bước 2: Nộp đơn yêu cầu Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp. Khi một trong các bên đã xác định quyền lợi chính đáng bị xâm phạm có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết thông qua con đường trọng tài thương mại.
- Bước 3: Thành lập hội đồng trọng tài để giải quyết vụ việc. Hội đồng có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, tùy thuộc vào quy định trong hợp đồng hoặc thỏa thuận các bên. Hội đồng trọng tài là cơ quan độc lập, công bằng và khách quan.
- Bước 4: Tiến hành phiên họp trọng tài để các bên trình bày quan điểm của mình đối với vụ tranh chấp theo hình thức hỏi và trình bày. Phiên họp thường diễn ra kín và được bảo mật thông tin về tranh chấp.
- Bước 5: Hội đồng trọng tài ra phán quyết đối với vụ tranh chấp và phán quyết hội đồng trọng tài thương mại có giá trị chung thẩm.
Tòa án nhân dân các cấp
Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng được xác định là loại tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Do đó, loại tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền sẽ thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện. Ngược lại nếu không thuộc tại khoản 1 hoặc thuộc trường hợp tại khoản 1 nhưng một trong các bên hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Về thẩm quyền theo lãnh thổ, theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tòa án bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức sẽ có thẩm quyền. Hoặc các bên có thể thỏa thuận với nhau sẽ giải quyết tranh chấp tại nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi nguyên đơn có trụ sở.
Một Số Lời Khuyên Và Kinh Nghiệm Trong Việc Giải Quyết Tranh Chấp Hợp Đồng Thi Công Xây Dựng
- Trước khi xảy ra các tranh chấp có liên quan đến hợp đồng xây dựng tại Ban xử lý tranh chấp, các bên nên thương lượng và đàm phán với nhau để cùng tìm ra phương án giải quyết. Nếu như không thể cùng nhau giải quyết thì cách duy nhất là nhờ một bên thứ ba đứng ra thống nhất ý kiến và đưa ra phán quyết phù hợp.
- Nên lưu giữ và xây dựng hồ sơ thi công xây dựng chi tiết và rõ ràng để tránh việc phát sinh xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên. Đồng thời, nên lưu ý trong việc trao đổi và nhận thông báo tiến độ thanh toán, xây dựng để tránh các khoản chi phí phát sinh như lãi chậm thanh toán hoặc bồi thường thiệt hại.
- Cần đọc kỹ hợp đồng thi công xây dựng trước khi ký kết và xem xét các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Sau khi ký kết, cần tìm hiểu hoặc thuê luật sư chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng để đảm bảo tính chính xác pháp lý trong hợp đồng và đưa ra phương án phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
- Cần có thỏa thuận về phương thức giải quyết trong hợp đồng thi công xây dựng và linh hoạt trong việc thay đổi phương án giải quyết hoặc điều khoản hợp đồng để tránh việc tranh chấp phức tạp của các bên.
- Cần phải thường xuyên cập nhật quy định của pháp luật để tránh phát sinh các vấn đề khác trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng.
Thông tin liên hệ:
- Trụ sở công ty tọa lạc tại: Lầu 2 Số 68 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Văn phòng làm việc: 4/9 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
- Email: votu@luatminhtu.com
- Hotline: 1900 0031
- Fanpage: https://www.facebook.com/luatminhtu
- Website: luatminhtu.vn