Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một lĩnh vực pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tác giả và bảo vệ các sản phẩm trí tuệ, như là sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và chỉ dẫn địa lý. Khi quyền sở hữu bị xâm phạm, các cá nhân, tổ chức thường băn khoăn về việc giải quyết nó như thế nào và cơ quan nào sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ và hướng giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm.
Để có thể nắm được những điều kiện cơ bản nhất, cá nhân, tổ chức cần phải hiểu rõ những quy định pháp luật và tìm ra phương án giải quyết một cách hiệu quả nhất.
Tranh Chấp Liên Quan Đến Sở Hữu Trí Tuệ Là Gì?
Hiện nay, không có quy định cụ thể nào giải thích như thế nào là tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”. Từ khái niệm trên, ta có thể hiểu tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ là có sự mâu thuẫn giữa quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức với một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức khác liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với cây trồng.
Các loại tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ:
- Tranh chấp dân sự: Theo khoản 4 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thì sẽ được xem là tranh chấp dân sự và thuộc thẩm quyền Tòa án giải quyết.
- Tranh chấp kinh doanh thương mại: Căn cứ theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nếu tranh chấp liên quan về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thì sẽ được xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cơ Quan Nào Có Thẩm Quyền Giải Quyết Các Tranh Chấp Liên Quan Đến Sở Hữu Trí Tuệ
Cục Sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo khoản 11 Điều 2 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 2525/QĐ-BKHCN năm 2018 thì Cục sở hữu trí tuệ được “tham gia giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; cung cấp ý kiến chuyên môn phục vụ việc giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp”.
Như vậy, theo quy định trên thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp và thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không phải là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp cũng như đưa ra các quyết định, phán quyết đối với các tranh chấp như trên.
Tòa án nhân dân các cấp
Thông thường, các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ được giải quyết bởi Tòa án nhân dân các cấp.
Nếu như các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nếu các tranh chấp trên có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì vụ tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Nếu như các tranh chấp liên quan về sở hữu trí tuệ mà cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì sẽ được xét xử tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải nộp đơn khởi kiện tại nơi bên bị kiện (bị đơn) cư trú hoặc làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận với nhau bằng văn bản lựa chọn Tòa án để giải quyết. Hai bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc nếu là cá nhân và nơi nguyên đơn có trụ sở nếu là tổ chức theo khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nếu như nguyên đơn không thể biết được nơi cư trú hoặc nơi làm việc hoặc nơi có trụ sở của bên bị đơn (bên bị kiện) thì nguyên đơn sẽ được lựa chọn Tòa án có thẩm quyền – có thể nơi bên bị kiện cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bên bị kiện có tài sản để Tòa án nơi đó thụ lý giải quyết theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trình Tự Thủ Tục Và Thời Hạn Giải Quyết Các Tranh Chấp Liên Quan Đến Sở Hữu Trí Tuệ
Bước 1: Xác định loại tranh chấp đang gặp phải
Bên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải xác định loại tranh chấp đang gặp phải, ví dụ như: tranh chấp về quyền tác giả, tranh chấp về nhãn hiệu,… và sau đó đề nghị bên vi phạm ngừng thực hiện hành vi vi phạm và đàm phán, thương lượng để giải quyết vấn đề.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án
Nếu như bên vi phạm không thể thương lượng, đàm phán hoặc hòa giải thì bên vị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Nội dung đơn khởi kiện phải bao gồm đầy đủ các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân; hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại; fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan; tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm tài liệu, chứng cứ mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền theo các phương thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo con đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Xem xét hồ sơ khởi kiện
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ khởi kiện, đồng thời, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường; hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thời hạn giải quyết các tranh chấp liên quan về sở hữu trí tuệ
Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử
Đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ tại khoản 4 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc trở ngại khách quan thì thời gian gia hạn chuẩn bị xét xử không quá 02 tháng.
Đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc trở ngại khách quan thì thời gian gia hạn chuẩn bị xét xử không quá 01 tháng.
Đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm
Căn cứ theo khoản 4 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời hạn 01 tháng , kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải tiến hành mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm
Sau khi nhận được đủ hồ sơ kèm tài liệu, đơn kháng cáo bản án sơ thẩm thì trong vòng 02 tháng sẽ chuẩn bị xét xử phúc thẩm kể từ ngày thụ lý vụ án theo Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể kéo dài nhưng không được quá 01 tháng.
Thông tin liên hệ:
- Trụ sở công ty tọa lạc tại: Lầu 2 Số 68 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Văn phòng làm việc: 4/9 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
- Email: votu@luatminhtu.com
- Hotline: 1900 0031
- Fanpage: https://www.facebook.com/luatminhtu
- Website: luatminhtu.vn